Dịch vụ vẽ thiết kế Online
- Published in Tin tức
*** Hình thức vẽ Online thiết kế cho các hạng mục như sau:
DỊCH VỤ VẼ THIẾT KẾ GIÁ RẺ ONLINE CHO CÁC NHÀ THẦU, CTY THIẾT KẾ, CÁC CÁ NHÂN LÀM NHÀ.
- Khách hàng gửi ý tưởng sơ bộ các mặt bằng và hình chụp mô phỏng,.....ghi chú các vật dụng như cửa đi chất liệu gỗ hay nhôm xingfa ?, .vv.
- Khách hàng đặt làm thiết kế theo từng hạng mục hay trọn gói thiết kế mà chúng tôi báo giá cụ thể cho quý khách.
- Hình thức thanh toán : Khách hàng tạm ứng trước 50% cho chúng tôi thực hiện bản vẽ. Sau thời gian hoàn thành bản vẽ chúng tôi gửi bản vẽ PDF , xem xong chuyển hết phần tiền còn lại.
- Hình thức chỉnh sửa thực hiện ngay bước 1 sơ phát mặt bằng kiến trúc. Mặt bằng kiến trúc đã duyệt , chốt bản vẽ ra chi tiết.
- Dịch vụ vẽ uy tín chất lượng - đúng tiến độ bàn giao.
*** Gói dành riêng cho các Công ty thiết kế hợp tác để vẽ thiết kế , chúng tôi luôn luôn hổ trợ giá rẻ nhất! Hãy gọi 0918219976 Mạnh. Nhận hạng mục nào triển khai hạng mục ấy! hoặc giao thiết kế triển khai trọn gói khoán gọn theo cái. Chúng tôi nhận việc triển khai uy tín, giao bản vẽ đúng hẹn. Bảo mật thông tin khách hàng cộng tác 100%.
- Thông tin tư vấn thiết kế liên hệ : 0918219976 Mạnh.
--------------------------------------------000-----------------------------------------------
QUÝ KHÁCH XEM CÁC MẪU 3D THIẾT KẾ
1. MẪU NHÀ TRỆT XÂY DỰNG KINH PHÍ DỰ TRÙ : 400 Triệu - 700 Triệu.
MSTK.001 (4mx15m+ L.4m)
* Gói bản vẽ thiết kế cho nhà này trọn gói phí: 8.000.000 đồng
+ Bộ bản vẽ gồm: Kiến trúc, kết cấu, điện nước, phối cảnh 3D mặt tiền.
MSTK.002 ( 4,5m x18m - Sân trước 6m)
* Gói bản vẽ thiết kế cho nhà này trọn gói phí: 15.000.000 đồng
+ Bộ bản vẽ gồm: Kiến trúc, kết cấu, điện nước, phối cảnh 3D mặt tiền + thể hiện 3D nội thất các phòng.
-------------------------------------
------------------------------------------------------------------------------------000----------------------------------------------------------------------------------
Kiến trúc và bài trí trong chùa Việt NAM
Trước khi xem qua từng ngôi chùa được giới thiệu trong bài này, cần tim hiểu một số khía cạnh tổng quát.
Tượng Phật
Các tượng Phật vô cùng đa dạng, không những về loại hình mà còn về chất liệu. Tượng cổ chủ yếu sử dụng các chất liệu: đá, đồng, gỗ, đất sét nung, và đặc biệt là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, đây là loại gỗ “thiêng”, rất được ưa chuộng trong việc chế tác các đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, do vậy tránh được những sơ suất trong khi đục, lại có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Ngày nay, người ta dùng cả bê-tông để chế tác tượng, vì nguyên liệu này vừa dễ tạo hình, lại có độ bền cao.
Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được có niên đại thời Lý (thế kỷ 11-12), tuy số lượng hiếm hoi, và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Thật đáng tiếc, ngày nay không còn pho tượng bằng đồng và gỗ nào của thời Lý còn tồn tại.
Tượng Phật thời Lý còn sót lại đã hiếm, tượng Phật thời Trần (thế kỷ 13-14) lại càng bặt tăm. Ngày nay không còn tìm thấy bất cứ pho tượng nào của thời Trần, riêng bệ tượng thì lại vô cùng phong phú. Trong những ngôi chùa cổ ở suốt dọc Sông Đáy còn sót lại rất nhiều hương án đá có niên đại cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những bệ ngồi của tượng, vì ở phía sau không còn chỗ nào để đặt tượng. Tìm nguyên nhân của sự vắng bóng tượng Phật thời Trần cũng như sự hiếm hoi của tượng Phật thời Lý, các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều kiến giải khác nhau. Một là, do tượng Phật thời Lý-Trần chủ yếu làm từ gỗ, đất nên không bền vững, bị xâm thực bởi mối mọt, thời tiết khắc nghiệt, mưa dầm nắng dãi, khí hậu nóng ẩm… Hai là, do người xưa chưa ý thức được tầm quan trọng nên chưa quan tâm bảo vệ di sản. Họ chỉ nghĩ đơn giản: những thứ cũ nát thì bỏ đi, thay bằng đồ mới. Nên việc phá bỏ tượng cũ, thay bằng tượng mới cũng không lấy gì làm lạ. Ba là, do triều đại sau vì muốn xóa bỏ ảnh hưởng dấu tích của triều đại trước, xóa bỏ tư tưởng hồi cố ra khỏi quần chúng để củng cố nền thống trị mới, nên những di sản Phật giáo cũng theo đó mà lâm nạn. Bốn là, do giặc ngoại xâm tàn phá, đặc biệt giặc Minh và chính sách đồng hóa của chúng.
Từ thời Hậu Lê (thế kỷ 15-18) trở đi, tượng Phật ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất liệu (gỗ, đá, đất, sứ…) lẫn nghệ thuật tạo hình. Niên đại thế kỷ 15, còn lưu giữ được bộ tượng Tam thế Phật bằng đá ở Chùa Ngọc Khám. Riêng niên đại thế kỷ 16 khá phong phú, tượng Phật chủ yếu tạc từ gỗ. Ta gặp những bộ Tam thế Phật ở Chùa Thầy, Chùa Ninh Hiệp (Hà Nội); Chùa Trà Phương (Hải Phòng)… Chùa La Khê (Hà Nội) có tượng Thích Ca tọa thiền. Thế kỷ 16 cũng đã bắt đầu xuất hiện tượng Quán Thế Âm Nam Hải (Thiên thủ Thiên nhãn), hiện còn lưu giữ ở Chùa Đào Xuyên, Chùa Nga My (Hà Nội); Chùa Thượng Trưng, Chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc); Chùa Động Ngộ (Hải Dương). Còn Chùa Phổ Minh (Nam Định) có tượng Quán Thế Âm cứu độ.
Cùng với tượng gỗ, thời Hậu Lê cũng phong phú tượng đá. Nơi lưu giữ nhiều tượng đá cổ nhất có lẽ là Chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây) với 48 pho tượng đá thời Lê được chế tác công phu, tinh xảo, tư thế nào cũng toát lên vẻ đẹp tâm linh của Đức Phật, Di Lặc, La Hán, Minh Vương… Từ thế kỷ 17 trở đi, và mặc dù sau đó đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng tượng Phật vẫn ngày càng trăm hoa đua nở, muôn hồng ngàn tía. Rất nhiều pho tượng mang tính kinh điển đã trở nên thân thuộc với đời sống tâm linh người dân Á Đông: Tòa Cửu Long, Thích Ca tọa thiền, Thích Ca nhập Niết bàn, A Di Đà, Tam thế, Di Lặc, Quán Thế Âm tọa sơn, Quán Thế Âm Nam Hải, Tuyết Sơn, Chuẩn Đề, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, các vị La Hán…
Nhận biết tượng thờ
Trong phần dưới đây, mô tả màu sắc chỉ để tham khảo bởi vì tượng bằng gỗ và bằng đá thường không tô màu (Chu Minh Khôi, 2009; phatgiao.org.vn, 2020).
Phật Thích Ca: tượng thế hiện mặt tròn, đỉnh đầu có gò thịt nổi cao, cằm vuông, nơi ấn đường (chỗ đầu hai lông mày giao nhau) có nốt ruồi đỏ. Tai dày, tròn, đầy đặn, thành quách phân minh, sắc trắng hơn mặt. Hai tay dài và dày. Ngực có chữ vạn, mình vàng, sắc hoàng kim. Tùy theo bố trí thờ cúng của mỗi chùa mà tượng Phật Thích Ca có các tư thế đứng, ngồi khác nhau. Tuy nhiên, tượng Phật Thích Ca thường được tạc theo thế ngự trên đài sen, hai tay để ấn tam muội, đôi mắt khép lại ba phần tư.
Phật Di Lặc: Tượng Phật Di Lặc thường được an vị ngay ở cửa ra vào, hiếm khi được thờ ở chính điện. Khi thờ ở Tam thế Phật thì tượng Phật Di Lặc giống tượng Phật Thích Ca, nhưng khi thờ riêng thì tượng Phật Di Lặc được tạc theo tư thế ngồi ngả lưng ra đằng sau, mở miệng cười ngặt nghẽo, hớn hở như khoe cái bụng phệ, béo tròn, vô lo vô nghĩ. Cũng có chùa thờ Di Lặc theo tượng hình một vị hòa thượng mập mạp, mặc áo phơi ngực, bày cái bụng to tướng, xung quanh có năm, sáu đứa trẻ quấy nhiễu mà Ngài vẫn cười ngặt nghẽo…
Phật A Di Đà: theo thuyết nhà Phật, hiện thân đời sống vĩnh cửu và trí tuệ hào quang nên có hai danh hiệu: Vô lượng thọ Phật (đời sống của Phật dài vô lượng, vô biên) và Vô lượng quang Phật (hào quang của Đức Phật chiếu tới các cõi thập phương). Tượng Phật A Di Đà thường có những nét đặc trưng: Đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngực có chữ vạn ở khoảng trống của áo cà sa.
Đi theo hầu Phật A Di Đà thường là hai vị Bồ tát: Đại Thế Chí và Quán Thế Âm. Ba tượng này được gọi là bộ A Di Đà Tam Tôn (hoặc Tam Tông).
Tượng Phật A Di Đà thường được tạc thờ theo hai thế:
- Tượng ngồi kiết già trên tòa sen, tay kiết định ấn, hình dáng tương tự như Phật Thích Ca nhưng có sự khác biệt so với tượng Phật Thích Ca như: duỗi xòe bàn tay mặt (tượng Phật Thích Ca không bao giờ duỗi một cánh tay) và cà sa khoét cổ vuông.
- Tượng đứng trên hoa sen lơ lửng trong hư không, bên dưới là bể cả sóng nổi lên rất cao, mắt Ngài nhìn xuống, tay trái bắt ấn cam lồ và đưa lên ngang vai, tay mặt duỗi xuống như sẵn sàng cứu vớt những chúng sinh đang đắm chìm trong bể khổ. Tượng này gọi là tượng Di Đà phóng quang. Bên cạnh thường có Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Thế Chí – đây được gọi là bộ tượng Tam Thánh hoặc A Di Đà Tam Tôn, như ở Chùa Kim Liên (Hà Nội).
Quán Thế Âm Bồ tát: được thờ theo các cách thể hiện:
- Quán Thế Âm Chuẩn Đề: tượng có ba mặt và 18 tay.
- Quán Thế Âm Tọa sơn (Quán Thế Âm ngồi trên đỉnh núi).
- Phật Bà (Quán Thế Âm đội mũ, ngồi tòa sen).
- Quán Thế Âm Tống tử (Quán Thế Âm ngồi bế đứa bé, một bên có Thiện Sĩ – biểu trưng bằng hình con vẹt). Hai pho tượng Quán Thế Âm Tống Tử một bằng bạch ngọc quý hiếm ở Chùa Quán Thế Âm (Đà Nẵng), một bằng gỗ tại Chùa Mía (Hà Nội) đều được coi là cổ vật.
- Quán Thế Âm Nghìn tay Nghìn mắt (Thiên thủ Thiên nhãn), theo kinh Phật, biểu thị sự viên mãn vô ngại, nếu chúng sinh trì niệm phụng thờ Ngài thì Bồ tát sẽ dùng nghìn tay hộ trì, nghìn mắt chiếu thấy để tiêu diệt tai họa, hàng phục tà ma. Tượng cổ Quán Thế Âm quý hiếm của Chùa Mễ Sở (Hưng Yên), được xem là một kiệt tác, có 1.113 tay và 1.113 mắt. Tượng Quán Thế Âm Nghìn tay Nghìn mắt được xếp hạng Bảo vật Quốc gia từ Chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc) là một trong những pho tượng gỗ có phong cách nghệ thuật sớm nhất hiện còn (có niên đại từ thế kỷ 16) và là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ tinh xảo bậc nhất Việt Nam. Pho tượng được tạc bằng gỗ mít, nặng khoảng 3 tấn, các thành phần tượng được ghép từ nhiều miếng gỗ lớn, nhỏ bằng nghệ thuật tạo tác đạt ở đỉnh cao của nghề gỗ. Theo đức tin nhà Phật, tượng thể hiện đức Quán Thế Âm có 42 tay được đỡ bởi quỷ trên “Biển Nam”, có Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ theo hầu.

Tượng thờ Quán Thế Âm tại các ngôi chùa Việt Nam thường là hiện thân hình dáng của một phụ nữ quý phái, nhân hậu, dịu dàng, đứng trên đài hoa sen, tay trái cầm bình thanh tịnh, tay phải cầm cành dương liễu để phổ độ chúng sinh. Có nhiều tượng lớn đặt ở sân chùa, trên tượng đài.

Cũng có một số chùa lại thờ theo lối Di Đà Tam Tôn: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên trái là Quán Thế Âm Bồ tát, bên phải là Đại Thế Chí Bồ tát.
Ghi chú: Ở Trung Hoa, do tránh chữ Thế trong tên Vua Đường là Lý Thế Dân nên từ lâu người Hoa gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm, và tên Quan Âm phổ biến đối với người Việt. Như vậy, ý nghĩa của “Quan Âm” không được trọn vẹn, trong khi “Quán Thế Âm”có nghĩa là thấu hiểu âm thanh cả thế gian. Chữ 觀 có hai âm “quan” và “quán”, mang nghĩa khác nhau: (1) quan có nghĩa là xem, tức nhận biết thông thường của giác quan; (2) quán có nghĩa là quan sát tường tận, tức thiên về tuệ giác. Quán Thế Âm là quán xét sâu sắc âm thanh khổ đau của thế gian để cứu độ. Như vậy, xét theo ngữ nghĩa thì tên Quán Thế Âm hợp với hạnh nguyện của Ngài hơn.
Bồ tát Văn Thù: tên nguyên là Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, là một trong những vị Bồ tát quan trọng của Phật giáo tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ, đạt được bằng phương tiện tri thức. Theo truyền thuyết Phật giáo Trung Hoa, Bồ tát Văn Thù được Phật Thích Ca đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp. Bồ tát Văn Thù thường được tạc theo tượng đứng trên hoa sen trắng, an vị bên trái tượng Phật Thích Ca (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ. Có chùa thờ riêng Bồ tát Văn Thù ngồi trên lưng sư tử xanh, tay trái cầm cành hoa sen xanh, tay phải cầm thanh kiếm sắc. Cũng có chùa thờ tượng ngài theo hình thức người cư sĩ đội mũ, mặc giáp, cầm kiếm….
Bồ tát Phổ Hiền: thường được an vị đứng trên tòa sen, bên phải Phật Thích Ca (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu Phật Tổ. Bồ tát Phổ Hiền hay được thờ chung với Phật Thích Ca và Bồ tát Văn Thù. Nhưng cũng có chùa thờ riêng Bồ tát Phổ Hiền với hình cư sĩ cưỡi voi trắng sáu ngà (voi trắng tượng trưng cho trí huệ vượt chướng ngại, sáu ngà tượng trưng cho sự chiến thắng sáu giác quan).

Bồ tát Địa Tạng: theo thuyết nhà Phật, là vị Bồ tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục và trẻ con yểu tử hoặc cứu giúp lữ hành phương xa. Đó là vị Bồ tát duy nhất được diễn tả với bạch hào (lông trắng xoáy nằm giữa hai mắt) trên trán, một trong ba mươi hai tướng tốt của một vị Phật. Tại Trung Hoa và các nước Đông Nam Á, Bồ tát Địa Tạng được xem là một trong bốn vị Đại Bồ tát (ba vị khác là Quán Thế Âm, Văn Thù và Phổ Hiền) chuyên cứu độ những người bị sa vào địa ngục. Tượng Bồ tát Địa Tạng thường có dáng một vị tăng đầu đội mũ thất phật (trên mũ có hình 7 vị Phật), mặc áo cà sa đỏ, tay phải cầm gậy tích trượng có 12 khoen, tay trái cầm ngọc minh châu, ngồi trên tòa sen. Ở một số chùa, tượng Bồ tát Địa Tạng lại được tạc ở tư thế đứng hoặc cưỡi trên lưng một con vật giống như sư tử.
Bồ tát Đại Thế Chí: theo thuyết nhà Phật, là vị Bồ tát dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, làm cho chúng sinh thoát khổ thành tựu quả vị Vô thượng bồ đề. Tượng Bồ tát Đại Thế Chí thường được tạc theo hình dáng cư sĩ, cổ đeo chuỗi anh lạc, tay cầm hoa sen xanh, đứng bên trái Đức Phật A Đi Đà (theo thế đứng vái lạy của người dâng lễ) để theo hầu. Đây là lối thờ Di Đà Tam Tôn: Đức Phật Di Đà ở giữa, bên trái là Bồ tát Quán Thế Âm, bên phải là Bồ tát Đại Thế Chí. Khi đứng riêng thì tượng Đại Thế Chí Bồ tát được tạc theo nhiều hiện thân, nhưng cơ bản là hình tượng cư sĩ ngồi hoặc đứng trên tòa sen, tay cầm một cành sen.
Bát bộ Kim Cương: tám vị Hộ Pháp, theo đức tin nhà Phật đem thần lực mà hộ trì Phật pháp, bất cứ ai tu thiền trên đường thành Phật sẽ được thần Kim Cương bảo vệ, không bị ai phá hoại hoặc nhũng nhiễu, cho dù đó là người hay ma. Vì là Hộ Pháp nên tám vị Kim Cương mặc áo giáp trụ, mũ kim khôi, đi hia, cầm binh khí song dáng đứng theo các thế tấn, thế tay khác nhau thể hiện tinh thần dũng mãnh và cương quyết. Thông thường, trong tám vị sẽ có ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ dữ tợn, thể hiện hai chức năng khuyến thiện và trừng ác. Đôi khi nghệ nhân tạo tượng Bát bộ Kim Cương trừng ác trông rất hung dữ, con nít vào chùa trông thấy phát khiếp! Bộ tượng này ở Chùa Tây Phương (Hà Nội) khá mực thước, cách thể hiện khéo léo, dáng hoạt, tư thế sinh động; bộ tượng ở Chùa Mía (Hà Nội) lại có vẻ dân gian, khuôn mặt giống người thực, có cảm xúc. Tuy là tám vị nhưng cả tám được gom lại thành một đoàn thống nhất, chia ra thành hai hàng, mỗi hàng bốn vị, chứ không tách ra thờ riêng. Tuy nhiên, trong các ngôi chùa thời Lý, các vị Kim Cương được đặt hai bên cổng của các tòa tháp Phật, quay mặt về bốn phương tám hướng. Cũng có một số chùa đặt tượng Bát bộ Kim Cương lớn dọc theo một hành lang. Có một số chùa khác chỉ có hai tượng Kim Cương (Hộ Pháp) lớn có ban thờ riêng rẽ, hoặc được đặt ngoài sân chùa.
Đức Thánh Hiền: chính là tôn giả Ananda, đệ tử đệ nhất của Đức Phật. Tượng thường được đặt ở bên trái của bái đường. Tượng có khuôn mặt thanh thoát, hiền từ, đầu đội mũ có 7 cánh sen, mỗi cánh sen có hình một Đức Phật, một tay cầm chén, một tay bắt ấn, bên cạnh thường có hai vị thị giả. Thánh Hiền là cách gọi dân gian – đây là A Nan Đà dịch nghĩa là Hoan Hỉ (anh họ và cũng là đệ tử thứ hai của Đức Thích Ca Mâu Ni). Truyện rằng: A Nan Đà thuộc dòng dõi Bà La Môn, hoàng gia triều Vua Tịnh Phạn. Ngài được mệnh danh là đệ nhất Đa văn thánh giáo (Người nghe nhiều lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni), là người đã cùng với tăng đoàn kết tập kinh điển của Phật sau khi ngài tịch diệt. Trong một lần khất thực, gặp người phụ nữ yêu mình say đắm, ngài vượt qua tình ái lứa đôi và xin với Đức Thích Ca cho nàng đó được xuất gia, phát tâm từ bi yêu thương toàn nhân loại, từ đó trong tăng đoàn xuất hiện hàng ni (sư nữ).
Đức Ông: tức Trưởng giả Cấp Cô Độc, có chùa ghi là Đức Chúa, thường được an vị ở bên phải bái đường. Tượng được tạc theo hình dáng quan văn, đầu đội mũ cánh chuồn, mặt đỏ, râu dài, vẻ mặt nghiêm nghị, hai bên tượng thường có hai vị thị giả. Theo điển tích Phật giáo, Cấp Cô Độc là một vị trưởng giả triệu phú ở kinh đô Xá Vệ của Vương quốc Kiều Tát La, miền bắc Ấn Độ. Ông trên thật là Tu Đạt (Sudatta), vì thường hay chu cấp giúp đỡ cho những kẻ khốn khó, cô đơn, nên danh tiếng vang lừng cả vương quốc, mọi người kính mến và tặng cho ông biệt hiệu Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người cứu giúp kẻ nghèo khó và cô độc”. Ông bỏ vàng mua khu vườn của Thái tử Kỳ Đà để xây nên Tịnh xá Kỳ Viên nổi tiếng và thỉnh Đức Phật về thuyết pháp. Sau này ông được coi là người bảo vệ tài sản của nhà chùa. Khi vào chùa, trước tiên, khách nên vào lối bên phải, đặt lễ trước ban Đức Ông, khấn xin phép vào lễ Phật bởi ngài chính là người kiểm soát tâm thế của chúng sinh đến lễ chùa, đến với Phật.
Thái tử Kỳ Đà (Jeta): Chuyện kể rằng bấy giờ, Thái tử Kỳ Đà có một khu vườn cây nằm sát kinh thành, do vua cha là Ba Tư Nặc (Prasenajit – Pasenadi) ban cho. Nơi đó rộng rãi, thanh tịnh, phong cảnh tươi đẹp, u nhã, thật là một địa điểm thích hợp để lập tu viện. Khi nghe Trưởng giả Cấp Cô Độc ngỏ ý muốn mua khu vườn của mình, Thái tử ra điều kiện: nếu Cấp Cô Độc có thể đem vàng ròng trải kín đầy mặt đất khắp khu vườn thì ông mới chịu bán. Cấp Cô Độc cho đó là lời nói nghiêm túc, bèn chấp thuận. Thái tử giật mình kinh ngạc, bào chỉ nói đùa thôi. Nhưng Cấp Cô Độc vẫn nghiêm trang cho rằng Thái tử là bậc vương giả, đã nói điều gì thì không thể chối bỏ. Thái tử đành nhượng bộ, nhưng trong lòng vẫn mong cho Cấp Cô Độc không có đủ vàng để ông khỏi mất khu vườn. Sáng hôm sau, khi Thái tử ra đến khu vườn thì thấy gia nhân của Cấp Cô Độc đang lót vàng trên mặt đất vườn. Riêng Cấp Cô Độc đang đứng nhìn những gốc cây có vẻ tư lự, nói mình đang suy nghĩ xem làm cách nào trải vàng lấp được những gốc cây đó. Sau khi nghe Cấp Cô Độc nói về tư cách, đạo đức và trí tuệ vượt bậc của Đức Phật, về giáo pháp mà Đức Phật đã dạy cho ông, và về đời sống thanh cao, phạm hạnh của giáo đoàn, Thái tử Kỳ Đà đề nghị lót vàng như thế đủ rồi, thẻo đất trống còn lại và tất cả cây trong vườn, ông xin cúng dường Đức Phật, coi như Cấp Cô Độc cúng đất và Thái tử cúng cây để xây tu viện. Vì vậy mà trong kinh Phật thường có câu “Kỳ thụ, Cấp Cô Độc viên” tức cây Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc. (Hạnh Cơ, 2019) Về sau, Kỳ Đà nhận sắc chỉ đức Phật hộ trì Phật pháp trong ba châu, trở thành Tam châu Hộ pháp.
Kiến trúc chùa
Dưới đây, ta xét qua kiến trúc và cách bài trí trong chùa Việt (Minh Chính, 2019; Triệu Thế Việt, 2012).
Theo mặt bằng, ngôi chùa có những lối kiến trúc sau:
- Chùa chữ đinh (丁): có nhà chính điện hay còn được gọi là thượng điện, là nhà đặt các bàn thờ Phật, được nối thẳng góc với bái đường hay tiền đường ở phía trước. Một số chùa tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này là Chùa Hà, Chùa Bộc (Hà Nội); Chùa Nhất Trụ, Chùa Bích Động (Ninh Bình); Chùa Trăm Gian (Hà Nội); chùa Dư Hàng (Hải Phòng)…
- Chùa chữ công (工): có nhà chính điện và bái đường song song với nhau và được nối với nhau bằng nhà thiêu hương, nơi sư làm lễ. Có nơi gọi gian nhà nối này là ống muống hay tòa nhà cầu, gian nhà cầu, là một loại kiến trúc phụ (dạng mái) dùng để nối các tòa trong một tổng thể kiến trúc liên hoàn. Tiêu biểu cho kiểu kiến trúc này là Chùa Cầu (Hội An); Chùa Keo (Thái Bình)…
- Chùa chữ tam (三): có ba nếp nhà song song với nhau, thường được gọi là chùa hạ, chùa trung (tức chính điện) và chùa thượng. Chùa Kim Liên và Chùa Tây Phương ở Hà Nội có dạng bố cục như thế này.
- Chùa kiểu nội công ngoại quốc: các hạng mục phía trong được bố trí theo hình chữ công (工), xung quanh được quây kín bởi các cụm kiến trúc khác tạo thành hình chữ quốc (国). Hai hành lang nối liền tiền đường ở phía trước với hậu đường ở phía sau làm thành một khung hình chữ nhật bao quanh lấy nhà thiêu hương, thượng điện hay các công trình kiến trúc khác ở giữa.
Ngoài ra, còn có những ngôi nhà khác như nhà tổ (nơi thờ các vị trụ trì quá cố), nhà tăng (nơi ở của nhà sư), nhà ni (nơi ở của ni cô), trai đường (nhà ăn), và một số kiến trúc khác như tam quan, gác chuông, vườn tháp (nơi chứa hài cốt các vị trụ trì quá cố), bảo tháp (thờ Phật, tạo điểm nhấn).
Các loại ngói lợp nóc gồm có:
- Ngói mũi: có hoa văn ở mũi để khi lợp xong người ta sẽ thấy hàng hoa văn đẹp mắt ở rìa mái. Có khá nhiều loại, tên gọi tùy theo hoa văn, như ngói mũi ta, ngói mũi hài, ngói vẩy rồng. Thường được dùng trong các công trình đền chùa, nhà ở dân gian chủ yếu là các tỉnh miền Bắc.
- Ngói lưu ly: được tráng men, thường được sử dụng để lợp ngói trong các đình chùa, nhiều nhất là các tỉnh miền Nam. Rìa có hoa văn đa dạng để khi lợp xong người ta sẽ thấy hàng hoa văn đẹp mắt ở rìa mái.
- Ngói âm dương: được ưa chuộng đối với người chú trọng yếu tố hòa hợp âm–dương trong triết lý Á Đông. Cách lợp chủ yếu là viên úp viên ngửa. Viên ngói âm lớn và nằm dưới, viên ngói dương tròn, nhỏ, nằm trên. Rìa ngói có thể có hoa văn tương tự như ngói lưu ly. Khi xếp hai loại ngói lại tạo nên sự hài hòa, uy nghiêm. Cách lợp ngói âm dương cần có người thợ lành nghề, cầu kỳ.
- Ngói màn, ngói chiếu: có hoa văn chìm nổi đa dạng, thường được dùng để lợp cổng và công trình nhỏ.

Ngày xưa người ta làm ngói hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, công nghệ rất hạn chế, tạo ra những sản phẩm màu sắc tự nhiên, màu sắc thay đổi đậm nhạt nhưng không quá khác biệt nhau. Vì vậy, các công trình xưa đều mang vẻ đẹp đặc biệt do màu sắc đa dạng mà tinh tế theo cách đó.
Bố trí mặt bằng chùa
Theo mặt bằng, từ ngoài vào có các hạng mục chính và cách bài trí như sau.
Tam quan. Ta không nói lặp ý là “cổng tam quan” bởi vì “quan” có nghĩa là cổng. Tam quan là bộ phận không thể thiếu, là cổng vào chùa, thường là một ngôi lầu có một đến ba tầng với ba cửa vào (một đến bốn mái), giữa là cửa chính, hai bên nhỏ hơn. Kiểu tam quan đơn giản không có lầu, trong khi nơi khác có tháp cao bên trên. Có chùa chỉ mở cửa chính vào những ngày lễ hội; bình thường phải ra vào bằng cửa bên. Có nhiều chùa có hai tam quan, một tam quan nội và một tam quan ngoại. Có thể dùng tầng trên của tam quan làm gác chuông. Có nơi như Chùa Giáng làm ngũ quan, tức có đến năm cửa. Thay vì tam quan kiểu nhà, có chùa xây bốn cột to (trụ biểu) tạo thành ba lối vào.

Sân chùa. Qua tam quan là đến sân chùa, có kiến trúc và bài trí đa dạng: ao sen, hàng trúc, vườn hoa, vườn cây cảnh, vườn tượng, vườn tản bộ, vườn thượng uyển, non bộ… với nhiều cây xanh rợp bóng. ng trúc, vườn hoa, vườn cây cảnh, vườn tượng, lối tản bộ ngắm cảnh, vườn thượng uyển, hòn non bộ, vườn mộ tháp, hoặc tiểu cảnh có chất Thiền để nhấn mạnh ý nghĩa của ngôi chùa.
Chùa Bà Tây Ninh có việc làm đáng khen là giữ lại tất cả cây rừng khi mở rộng khuôn viên, quanh các gốc cây được thiết kế vừa đẹp trong mắt người vãn cảnh chùa vừa an toàn cho cây.
Có chùa giữ sân chùa sạch sẽ, ngăn nắp, thể hiện đúng nơi thừa tự trang nghiêm (thường do kêu gọi phật tử làm công đức đến quét dọn thường xuyên), nhưng cũng có nhiều sân chùa quá nhếch nhác, đầy những rác, gây phản cảm cho những người muốn tìm khung cảnh thiêng liêng.
Tác giả bài này yêu thích những sân chùa được trồng cây cảnh một cách vừa phải (bởi vì càng trồng nhiều cây cảnh càng cần dùng nhiều phân bón và hóa chất!), vừa cho bóng râm vừa nhận ánh nắng (thiếu ánh nắng tức là thiếu yếu tố diệt trùng, gây ẩm ướt), đồng thời tạo nét mỹ thuật ưa nhìn qua cách sắp đặt nào đó. Theo cách suy nghĩ này, tôi đưa ra hai ví dụ dưới đây.


Tháp chùa
Tháp là một phần không thể thiếu của chùa chiền Việt Nam, nhất là chùa Bắc tông. Hầu hết những ngôi chùa nổi tiếng từ Bắc đến Nam đều có bảo tháp riêng của mình.
Tháp thường có 4 công dụng chính: dựng tháp để cầu phúc, dựng tháp để thờ Phật báo công đức của đức Phật, chứa xá lợi hoặc kinh sách vật dụng quan trọng của đạo Phật, làm mộ tháp cho các cao tăng có nhiều công đức lúc còn sống.
Chất liệu của tháp đa dạng và phong phú: bằng gạch, hoặc đá, bùn, sắt, đồng, bê tông, thủy tinh, pha lê, vỏ ốc… Tổng số tầng của các bảo tháp thường lẻ, song hình dáng thì có rất nhiều kiểu: lục giác, bát giác, tháp vuông, mật diêm, kim cương, tháp bộ, ngũ luân, đa bảo…
Một số tháp nổi tiếng được kể dưới đây.
- Bảo tháp – Chùa Ấn Quang (Saigon) cao 36 m, 6 tầng, tri tôn Đức Phật Di Đà, Đức Địa Tạng, Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngọc Xá Lợi và các bậc tiền bối đã có công xây dựng chùa. Hệ thống ánh sáng mỹ thuật đặc sắc tôn vinh vẻ đẹp dù tháp không lớn.
- Bảo tháp Hòa Bình – Chùa Tiên Hương (Nam Định) cao 61 m, 13 tầng chính và 1 tầng hầm, bên trong được bài trí công phu. Tầng 1: Phật Thích Ca và Tứ đại Hộ Pháp, tầng 2: Phật bà Nghìn mắt Nghìn tay, tầng 3: Thất Phật Dược Sư, tầng 4: bộ 9 tượng Phật, tầng 5: Đức Phật nhập Niết bàn, tầng 6: Bồ tát Địa Tạng vương, tầng 7: Phổ Hiền, tầng 8: Bồ tát Văn Thù; tầng 9: Phật Tuyết Sơn, tầng 10: Phật Di Lặc, tầng 11: Phật Tam Tôn gồm Phật Thích Ca, tôn giả Anan và tôn giả Ca Diếp, tầng 12: 12 Di Đà Tam Tôn gồm đức Phật Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Đại Thế chí, tầng 13: Tam thế Phật.
- Tháp Ấn Tôn – Chùa Từ Đàm (Huế): cao 27 m, 7 tầng, mỗi tầng thờ một tượng phật bằng đồng.
- Tháp Báo Ân – Chùa Bằng A (Hà Nội): cao 57 m, 13 tầng, bên trong tháp có 104 pho tượng đức Thích Ca được đúc bằng đồng.
- Tháp Báo Nghiêm – Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): tháp thờ hòa thượng Chuyết Chuyết. Tháp cao 13 m, 5 tầng, làm bằng đá xanh, mỗi tầng có một quả chuông nhỏ.
- Tháp Bảo Tích – Chùa Ốc (Khánh Hòa): 39 tầng, gồm 2 tầng hoàn toàn bằng vỏ ốc, sò. Tháp có 8 cửa (bát chánh đạo), xung quanh có 49 tháp nhỏ.
- Tháp chuông – Chùa Xá Lợi (Sài Gòn): cao 32 m, 7 tầng. Tầng cao nhất có treo một đại hồng chung nặng 2 tấn, được đúc theo mẫu chuông Chùa Thiên Mụ.
- Tháp Cửu phẩm Liên hoa – Chùa Cổ Lễ (Nam Định): cao 32 m, có 8 cạnh, dựng năm 1927. Đế tháp được đặt trên một con rùa lớn. Trong lòng tháp có cầu thang gồm 98 bậc xoắn ốc đến đỉnh.
- Tháp Đa Bảo – Việt Nam Quốc tự (Sài Gòn): cao 63 m, 13 tầng. Các tầng đều thờ rất nhiều Phật. Từ trai đường, có cầu thang đi lên. Có hệ thống chiếu sáng mỹ thuật hiện đại.
- Tháp Lục độ Đài sen – Chùa Trấn Quốc (Hà Nội): cao 15 m, 11 tầng, hình ảnh tạo điểm nhấn đặc sắc cho ngôi chùa. Mỗi tầng có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi vòm đặt một pho tượng phật A Di Đà. Đỉnh tháp có đài sen 9 tầng, được gọi là Cửu phẩm Liên hoa cũng bằng đá quý.
- Tháp Phật Ngọc – Tịnh xá Trung Tâm (Sài Gòn): cao 37 m, 9 tầng. Cầu thang đi lên 9 tầng tháp được bố trí bên ngoài. Ảnh: kienthuc.net.
- Tháp Phước Duyên – Chùa Thiên Mụ (Huế): hình ảnh quen thuộc với nhiều người. Tháp hình bát giác, cao 21 m, 7 tầng, mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Trên nóc tháp có đặt bánh xe pháp luân.
- Tháp Quán Thế Âm – Chùa Vĩnh Nghiêm (Sài Gòn): hình vuông, cao 40 m, 7 tầng. Đỉnh tháp có 9 bánh xe pháp luân.
- Tháp Xá Lợi – Chùa Bửu Minh (Gia Lai): hình vuông, cao 47 m. Đỉnh tháp thờ xá lợi Phật.
- Tháp Xá Lợi – Chùa Giác Lâm (Sài Gòn): hình lục giác, cao 32 m 7 tầng, thờ xá lợi Phật. Mỗi tầng đều có mái ngói và cửa ra vào.
- Tháp Xá Lợi – Chùa Minh Thành (Gia Lai): cao 72 m, 9 tầng, thờ 4 vị Thiên thủ Thiên nhãn được điêu khắc bằng gỗ mít. Ngoài ra, tháp còn có thờ nhiều Phật và xá lợi Phật.

Bái đường / Tiền đường / Tòa thiêu hương. Từ dưới sân chùa, lớp kiến trúc đầu tiên của ngôi chùa là bái đường. Để đến đây thường phải đi lên một số bậc thềm. Ở bái đường có thể đặt một số tượng, bia đá ghi sự tích của ngôi chùa, có thể đặt cả chuông, khánh nếu như ngoài tam quan không xây gác chuông. Giữa bái đường là hương án, nơi thắp hương chính. Thông thường người đến lễ chùa thắp hương ở đây. Số gian của bái đường tùy thuộc vào quy mô của chùa, nhỏ nhất là 3 gian, thông thường là 5 gian.
Bái đường được bố trí nhiều lớp tượng cân xứng hai bên. Chính giữa lớp trên cùng là tượng Ngọc Hoàng, hai bên có Nam Tào và Bắc Đẩu. Nhiều ngôi chùa để Tòa Cửu Long ở trung tâm của bái đường, phía trước tượng Ngọc hoàng. Bái đường không thể thiếu các tượng Thánh Hiền, Đức Ông được bố trí đăng đối, mỗi pho tượng này có thêm 2 pho người hầu. Lớp dưới cùng thường có tượng Tổ và tượng Thổ Địa.
Thiên tỉnh (Giếng trời). Giữa bái đường và chính điện thường có một khoảng trống (nhiều nơi khá hẹp), để cho ánh sáng tự nhiên chiếu sáng, được gọi là thiên tỉnh. Đây thường là nơi người đi lễ chùa thắp hương, hoặc xin xăm, nhận lá xăm, hoặc nhà chùa có thể đặt hòn non bộ, cây cảnh… Chùa Bà Thiên Hậu có thiên tỉnh khá hẹp, nên bồn thắp nhang có ống thu khói đưa khói lên cao, để khói không bay vào hai tòa nhà trước và sau.

Chính điện / Tam bảo / Đại hùng bảo điện / Điện Phật. Nóc tòa chính điện thường có tượng hình lưỡng long tranh châu, có nghĩa hai rồng tranh ngọc, biểu tượng cho tâm linh thần phục thánh thần. Con rồng là biểu tượng của sức mạnh vũ trụ mà cụ thể là hai lực tương tác âm–dương. Khi thể hiện hai con rồng thì không con nào ngậm châu cả, bởi vì hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực âm–dương cân bằng, còn hạt châu là Thái cực, biểu tượng của vũ trụ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, hình ảnh này thường bị gọi sai lệch là “lưỡng long chầu nguyệt” khi đôi rồng hướng về một quả cầu lửa trong khi mặt trăng không có lửa. Ông Tuấn Anh cũng lưu ý, thuật ngữ “lưỡng long chầu nguyệt” rất có thể bắt nguồn từ lý ngư vọng nguyệt (cá chép ngóng về mặt trăng, tất nhiên mặt trăng ở đây là cái bóng dưới nước).
Chính điện Chùa Thiên Mụ ở Huế có kiến trúc kiểu trùng thiềm điệp ốc (mái chồng nhà nối), còn được gọi là trùng lương trùng thiềm (xà chồng mái chồng) – là một kiểu kiến trúc truyền thống ở Việt Nam của nhà kép hai mái trên một nền. Nhà trước và nhà sau của điện được nối với nhau bằng một hệ thống trần vòm mai cua dưới máng nước nối của hai mái nhà (thuật ngữ kiến trúc gọi là máng thừa lưu). Chính trần mai cua này nối với nửa trong tạo ra một không gian nội thất liên tục, thống nhất, rộng rãi, không còn cảm giác ghép nối hai tòa nhà. Việc ứng dụng máng thừa lưu là một sáng tạo của người xây dựng điện, chẳng những che kín được sự lõm xuỗng của nơi nối hai mái mà còn tạo nên nhịp điệu kiến trúc. Mục đích là tạo cảm giác “cao” cho gian ngoài – nơi hành lễ uy nghiêm.

Gian thờ trong chính điện thường có cửa võng, còn được gọi là bao lam hoặc y môn: y là y phục, môn là cái cửa – y môn là áo của chiếc cửa. Nói cách khác, cửa võng là một loại “cửa giả” nhưng ngắn và không có cánh cửa đi kèm, có dạng chữ “M” có tính đối xứng hai bên, ở phần trên cùng người ta trang trí hoa văn có đầu rồng hay ngọc võng xuống, chạm khắc tứ linh, hoa văn cổ đối xứng. Cửa võng có thể kèm bình phong ở phần trên, hoặc bình phòng được tách ra để đặt ở bên trên. Cửa võng ngày xưa được làm bằng gỗ, bây giờ có thể được làm bằng đồng – tất cả thường được thếp vàng.

Không gian thờ có lắp đặt cửa võng tạo sự uy nghi, trang nghiêm và cổ kính hơn nhiều so với không gian thờ thông thường. Cửa võng được dùng nhiều ở đền, chùa, miếu, kể cả nhà thờ họ, nhà thờ tổ tiên… Có nơi (như Chùa Vẽ ở Hải Phòng) tạo ba lớp bao lam cho cùng một ban thờ, lớp ngoài lớn nhất, lớp giữa nhỏ hơn, lớp trong nhỏ nhất.
Chính điện chỉ dành để bài trí tượng Phật, nên còn được gọi là điện Phật. Chính điện là phần quan trọng nhất của ngôi chùa vì nơi đây bày pho tượng Phật lớn nhất của chùa.
Chùa chiền miền Bắc hầu hết theo phái Đại thừa Bắc tông nên thường có nhiều tượng. Thông thường mỗi chùa có khoảng từ hai đến vài chục tượng, có nơi thờ hàng trăm tượng. Sơ đồ tổng quát về hệ thống tượng trong chính điện Phái Đại thừa Bắc tông được trình bày dưới đây (Trần Ngọc Đông, 2012)

1/ Tam thế Phật
2/ Di Đà Tam tôn (A Di Đà; A: Bồ tát Quán Thế Âm; B: Bồ tát Đại Thế Chí)
3/3.1 Hoa Nghiêm Tam Thánh (Thích Ca Mâu Ni; A: Bồ tát Văn Thù; B: Bồ tát Phổ Hiền)
3/3.2 Tuyết Sơn Tam Thánh (Tuyết Sơn; A: Ca Diếp; B: A Nan Đà)
4/ Phật Di Lặc
5/ Ngọc Hoàng (A: Nam Tào; B: Bắc Đẩu)
6/ Cửu Long Thích Ca sơ sinh (A: Phạm Thiên; B: Đế Thích)
7/ Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn / Nam Hải
8/ Quán Thế Âm Tọa sơn
9/ Bồ tát Địa Tạng Vương
10/ Thổ Địa
11/ Minh Vương (Thập Điện Diêm Vương)
12/ Kim Cương / Hộ Pháp Khuyến Thiện
13/ Kim Cương / Hộ Pháp Trừng Ác
14/ Đức Ông – Già Lam – Chân Tể
15/ Thánh Tăng – Diệu Nhiên – Đại Sĩ
16/ Tổ Truyền Đăng/Thập Bát La Hán.
Chính điện gồm nhiều tượng Phật đặt trên các bệ xây từ thấp tới cao, tượng trưng cho sự tu hành và đắc đạo của đức Phật, đồng thời biểu hiện triết lý của đạo Phật. Nghĩa của đại hùng: thắng nhân giả anh, thắng kỷ giả hùng (thắng được mình mới là bậc đại hùng). Trung bình có 5-6 lớp tượng, mỗi lớp tượng thường có 1 pho hoặc 3 pho, đôi khi 5 pho.
Ở miền Bắc, cách bài trí các tượng Phật trong chánh điện thường là như sau: (a) lớp trên cùng thờ pháp thân Phật, tức thường trụ Phật ở trong vũ trụ; (b) lớp thứ hai thờ báo thân Phật, tức thụ dụng trí tuệ Phật ở cõi cực lạc; (c) lớp thứ ba là thờ ứng thân Phật, tức Phật hiện trong xác thân ở trần thế. Từ lớp thứ tư trở xuống bày những cảnh lúc đản sinh của đức Thích Ca Mâu Ni và tượng những vị thần khác. Vậy cách bài trí các tượng ở chính điện từ trên xuống dưới theo thứ tự sau đây. (Cần biết: các tượng này cũng có thể được đặt bên ngoài chính điện.)
Lớp thứ nhất: Trên cùng là tượng Tam thế, tên đầy đủ là Tam thế Tam thiên Phật, nghĩa là ba nghìn vị Phật thời quá khứ, hiện tại, tương lai, trong đó thiên (nghìn) có nghĩa tượng trưng chỉ số rất nhiều, không đếm xuể.
Bộ tượng Tam thế gồm ba pho, để ngang một dẫy, hình dạng giống nhau, thường có một dáng chung là ngồi kết già, sự khác nhau chỉ là các dáng tay kết ấn, bên trái là quá khứ thế, bên phải là vị lai thế, ở giữa là hiện tại thế. Một số bộ tượng mang tính nghệ thuật cao như ở Chùa Thầy, Chùa Ninh Hiệp (Hà Nội) có phong cách thời Mạc, bộ tượng ở Chùa Côn Sơn (Hải Dương) có tạo hình giống tượng ở các chùa Nam tông, bộ tượng Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) mang đặc điểm tượng thời Lê Trung Hưng. Với loại tượng này, bệ sen và bệ vuông có trang trí khá tỉ mỉ, nhiều đồ án trang trí ẩn chứa mật nghĩa sâu xa. Đặc biệt là bộ tượng ở Chùa Bút Tháp với tán lửa tam muội hình thuyền, phía sau tượng có trang trí tinh tế, hoa văn thực vật, mây lửa, mây nước… liên quan đến lực lượng tự nhiên, thể hiện khát vọng hằng xuyên trong tâm thức của người Việt là cầu mưa thuận gió hòa cho được mùa.

Lớp thứ hai: Bộ tượng Di Đà Tam tôn mang tính chất tuyên ngôn cho Phật giáo bởi đại điện cho từ tâm và trí tuệ. Trong đó, Phật A Di Đà ở giữa thể hiện tám tính (bát đại), phân thân biểu hiện thành Bồ tát Quán Thế Âm bên trái (bốn tính thuộc từ tâm là đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả) và Đại Bồ tát Thế Chí bên phải (bốn tính thuộc trí tuệ là đại hùng, đại lực, đại trí, đại dũng). Bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở Chùa Thầy có niên đại thời Mạc với nhiều hoa văn liên quan đến Mật tông như hạt bảo châu, sen tạng, hoa có kết cấu kim cương chử, cành san hô (cây thiên mệnh)… Đặc biệt trên tượng Bồ tát Đại Thế Chí được trang trí 427 cặp hạt tròn tương ứng với 427 câu chú trong Kinh Thủ lăng nghiêm.

Lớp thứ ba: có ba pho tượng lớn, ở giữa là tượng Thích Ca Mâu Ni, tức là theo đức tin nhà Phật ứng thân hay là biến hóa thân, giáng sinh xuống trần thế, tu thành chính quả và thuyết pháp độ chúng; ở bên phải là tượng Bồ tát Văn Thù đứng trên tòa sen hoặc ngồi trên con sư tử xanh; ở bên trái là tượng Bồ tát Phổ Hiền đứng trên tòa sen hoặc ngồi trên con voi trắng.
Cũng có có nhiều chùa làm bộ tượng Thích ca Liên hoa, với mô hình nhất Phật nhị tôn giả: Tượng Thích Ca Mâu Ni ngồi cầm hoa sen như điển kể khi ngài thuyết pháp ở Linh Thứu Sơn, bên trái là tượng tôn giả Ma Ha Ca Diếp với nét mặt già, bên phải là tượng tôn giả A Nan Đà với nét mặt trẻ, là hai đại đệ tử của Đức Thích Ca khi ngài còn ở thế gian. Tượng hai vị tôn giả ấy đều tạc đứng, hình dáng của hai tỳ khưu. Bộ tượng mô phỏng sự tích tôn giả Ma Ha Ca Diếp mỉm cười thấu hiểu khi Thích Ca giơ đóa sen lên trước đông đủ tăng đoàn.
Lớp thứ tư: có Tòa Cửu Long để giữa. Tượng này theo điển nói khi đức Thích Ca Mâu Ni mới đản sinh, có chín con rồng xuống phun nước cho Ngài tắm, đoạn Ngài đi bảy bước, tay trái chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất theo ý niệm thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn, có nghĩa “trên trời, dưới đất, chỉ có ta là hơn cả”. Bởi vậy Tòa Cửu Long thể hiện ở giữa có pho tượng nhỏ là Thích Ca Mâu Ni Phật lúc đản sinh, chín con rồng vây bọc chung quanh và ở trên những đám mây có chư phật, chư thiên, nhã nhạc, cờ phướn và Bát bộ Kim Cương.

Riêng Chùa Thiên Mụ ở Huế có 12 Thần Tướng Dược Xoa, theo đức tin nhà Phật là hóa thân của các Đức Phật, Bồ Tát và là Thần Bổn Mạng để bảo vệ chúng sinh – chức năng giống như Bát bộ Kim Cương.
Bên trái Tòa Cửu Long thường có tượng Đế Thích ngồi trên ngai, mặc áo đội mũ hoàng đế, bên phải có tượng Đại Phạm Thiên cùng một kiểu như pho tượng Đế Thích, đó là theo điển nói hai vị đại thiên vương này chủ tế ở cõi sa bà thế giới và lúc nào cũng hộ trì Đức Thích Ca khi ngài chưa thành Phật.
Ở ngoài Tòa Cửu Long thường để bốn pho tượng Tứ Thiên Vương (còn được gọi là “Tứ đại Thiên vương” hoặc “Tứ đại Kim cương”) mặc vương phục, được bày làm hai dẫy đối nhau. Tứ đại Thiên vương vốn là bốn vị đại tướng của Thiên đế trong các kinh Phật của Ấn Độ. Ngoài việc giữ gìn Phật pháp, các Thiên vương còn có trách nhiệm hộ thế: trông nom bốn phương cho mưa thuận gió hòa. Vì thế, các Thiên vương cũng được gọi là “Hộ thế Thiên tôn”. Sau khi đạo Phật truyền nhập vào Trung Hoa, Tứ đại Thiên vương có những trang phục, binh khí, thậm chí chức trách Hán hóa. Chùa Dâu (Bắc Ninh) đặt bốn tượng Tứ Thiên vương ở bốn góc trong Tháp Hòa Phong.

Có chùa bỏ tượng Tứ Thiên vương mà bày tượng bốn vị Bồ tát tạc hình thiên thần: Ái Bồ tát tay cầm cái tên, Sách Bồ tát tay cầm cái cây, Ngũ Bồ tát tay cầm cái lưỡi, Quyền Bồ tát tay nắm lại để lên ngực.
Thay vì Tòa Cửu Long, có chùa bày tượng Tuyết Sơn, theo đức tin nhà Phật mô tả quá trình bảy năm tu khổ hạnh không tìm được chân lý của Đức Thích Ca trong Núi Hymalaya. Tạo hình tượng khắc khổ, đầu nhô lên hình sọ, mắt trũng sâu, chân tay gầy guộc, hiện rõ các xương sườn và đốt xương. Với tượng này có thể thấy sự hiểu biết về cơ thể học của ông cha ta khá vững vàng. Các nếp quần áo đổ dồn xuống dưới, như tăng vẻ tiều tụy của tượng, nhưng vẫn nhận thấy sự suy tư thanh thản trong ánh mắt xa xăm và toàn thân tĩnh tại, ung dung như ông già người Việt ngồi hóng mát. Tượng này ở Chùa Tây Phương khá thành công, chất liệu gỗ phủ sơn; tượng nguyên bản còn có ở Chùa Thầy, Chùa Trăm Gian.

Lớp thứ năm: Bộ tượng Di Lặc Tam tôn, tuy có mô hình nhất Phật nhị Bồ tát nhưng ở mỗi chùa lại có sự khác nhau. Ở Chùa Tây Phương, bộ tượng này có niên đại thời Tây Sơn với Phật Di Lặc ngồi giữa, hai bên là Đại Diệu Tường Bồ tát và Pháp Hoa Lâm Bồ tát. Ở một số chùa khác thì hai bên là Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ tát, khi thì trong hình tướng nữ, cưỡi mãnh thú (voi và sư tử), khi thì trong hình tướng tăng nhân như ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội), khi là hai vị Bồ tát cầm hoa sen hay pháp khí như ở Chùa Bà Đá.
Lớp thứ sáu: Chùa nào không đặt Tòa Cửu Long ở lớp thứ tư thì có thể đặt ở lớp này. Tòa Cửu Long ở giữa, bên trái là Đế Thiên (Indra hoặc Ngọc Hoàng: vua của cõi trời sắc giới, cõi có hình tướng) và bên phải là Đế Thích (Brama: vua của cõi trời dục giới, cõi không còn hình tướng nhưng vẫn còn dục vọng, ham muốn). Tòa Cửu Long được xây dựng theo tích Thích Ca sơ sinh – một trong bốn tích quan trọng trong đời Phật: đản sinh, xuất gia, thành đạo và viên tịch (tức nhập niết bàn được thể hiện bằng tượng Phật nằm). Trung tâm là Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh trong hình dạng chú bé mũm mĩm nhưng vẻ mặt nghiêm trang, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất. Xung quanh có chín con rồng liên kết tạo thành một hình khum, hướng phía mặt ra ngoài, mô tả các tầng trời, trên đó có các vị Phật ngồi kết già, các vị Bồ tát, Kim Cương Hộ pháp, các nhạc sĩ thiên thần… Cũng có khi tòa Cửu Long được điêu khắc theo chủ đề là bốn sự kiện quan trọng của Phật Thích Ca như ở Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang).
Tượng Nam Tào, Bắc Đẩu: Phía trước tòa Cửu Long còn có tượng Nam Tào (mũ đỏ, quần áo đỏ, mặt đỏ), Bắc Đẩu (mũ đen, quần áo đen, mặt đen). Sự xuất hiện hai vị tinh quân này trên Phật điện là do tư duy dân gian. Có chùa thờ đủ bốn vị phù trợ tòa Cửu Long như Chùa Mía, Chùa Tây Phương, có chùa chỉ có hai vị vua trời như Chùa Bối Khê (Hà Nội). Bốn vị này có nơi được thay bằng tượng Tứ Bồ tát như ở Chùa Bút Tháp, tạo hình tướng nữ trong dáng đứng. Ở Chùa Mía, Tứ Bồ tát đứng ở hai bên Phật điện, phía gian ngoài. Ở Chùa Dâu (Bắc Ninh), Tứ Bồ tát đứng trong gian thờ Đức Pháp Vân, Pháp Vũ.
Tượng Minh Vương: Hai bên Phật điện thường có tượng Minh Vương, còn được gọi là Thập điện Diêm Vương, tức 10 vị cai quản mười cửa điện cõi âm để phán xét con người căn cứ vào công hay tội họ đã tạo ra khi còn sống. Tạo hình các vị này theo lối hoàng đế, mũ bình thiên, áo cổn, đi hia, tay cầm hốt ngồi trên ngai. Ở Chùa Bối Khê, bộ tượng Thập điện có giá trị nghệ thuật cao với trang phục trang trí hoa văn khá tỉ mỉ, mũ bình thiên có rèm châu khá đặc sắc. Chùa Mía, Chùa Ninh Hiệp đều có bộ Thập điện được tạc theo lối dân gian. Bộ Thập điện Chùa Dâu (Bắc Ninh) lại mang chân dung khá thanh thoát, lối vẽ râu tượng trưng. Đặc biệt, đề tài này còn được thể hiện dưới dạng tranh gỗ mô tả cả cảnh xử án, như bộ tranh Thập điện ở Chùa Trăm Gian.
Mười vị Minh Vương thường được đặt trên bàn thờ riêng rẽ, như trong Chùa Quảng Tế ở Huế.

Hành lang. Chạy song song với chính điện, nối chính điện với hậu đường thường có hai gian hành lang, tạo thành một nhà ba gian. Không tọa lạc ở những vị trí trang nghiêm tối thượng của chính điện, chỉ trú dọc hai dãy hành lang chùa, nhưng thường có bộ tượng Thập bát La Hán mang giá trị thẩm mỹ cao, đầy ắp giá trị hiện thực nhân sinh. La Hán tái tạo những con người sắp thành Phật, đang ở cảnh giới trung gian giữa cõi người và cõi Phật. Để đạt thành chánh quả, con người phải trải qua muôn vàn gian nan, kiếp nạn. Bởi vậy, các pho tượng La Hán chính là tác phẩm để những nghệ nhân xưa truyền tải vào đó những nỗi thống khổ nhất của kiếp người mà họ và biết bao đời đã từng trải qua.
Ở chùa Việt Nam, các La Hán được thể hiện ở hai dạng tượng và phù điêu, đặc sắc nhất ở Chùa Dâu (Bắc Ninh), Chùa Mía, Chùa Thầy, Chùa Trăm gian – ba chùa cuối đều ở Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Cách bài trí: tượng La Hán được chia làm 2 dãy, mỗi bên 9 vị ở hai bên tiền đường (miền Trung và miền Nam), hay ở hai nhà giải vũ (miền Bắc). Tượng La Hán ở miền Bắc thường trong tư thế ngồi trên loại bệ tự nhiên như tảng đá, mô đất, gốc cây. Tượng La Hán ở miền Nam thường trong tư thế cưỡi trên lưng các linh thú. Hình hài, động tác, nét mặt mỗi vị một vẻ rất sinh động và gần gũi với con người đời thường. Riêng Chùa Tây Phương bài trí tượng 18 vị Tổ sư phái Thiền tông Tây Thiên nối tiếp nhau chủ trì, gìn giữ Phật pháp ở Ấn Độ sau Phật Thích Ca, mà có nguồn cho rằng đó cũng là 18 tượng La Hán.
Hai hành lang Chùa Chuông (Hưng Yên) đặt tượng 18 Thập bát La Hán được chế tác từ thế kỷ 16 với những tư thế và biểu cảm đa dạng, và còn có những bức tranh tường mô tả cảnh địa phủ.
Hành lang nhiều chùa cũng đặt thêm tượng Phật. Hành lang Chùa Mít đặt những tượng Phật vào hàng cổ nhất Việt Nam. Nét đặc sắc của ngôi chùa cổ kính này là các tượng Phật độc đáo chạy dọc theo hai dãy hành lang với những tư thế và dáng vẻ riêng, được chế tác vô cùng tinh xảo từ đất sét.

Hậu đường. Qua chính điện, theo đường hành lang ta đến hậu đường. Nơi đây có thể là nhà tổ (thờ tổ sư của chùa) hoặc nhà tăng, nhà ni. Hậu đường ở một số chùa trong miền Nam liền sát sau nhà chính điện, ngay sau bàn thờ Phật.
Kiểu kiến trúc của lối tu Mật tông tạo ra cách tiền phật hậu thánh. Trong kiểu này, hậu đường thờ thánh chủ yếu là những nhân vật lịch sử được thần thánh hóa như Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Đức Thánh Bối, Nguyễn Giác Hải… Những chùa lớn thờ tiền phật hậu thánh gồm có Chùa Bối Khê (Hà Tây), Chùa Keo (Thái Bình), Chùa Trăm Gian (Hải Dương); và Chùa Lý Triều Quốc Sư, Chùa Thầy, Chùa Tổng (đều ở Hà Nội)… , Chùa Cả, Chùa Thiên Vũ. Hầu hết những ngôi chùa có kiểu kiến trúc tiền phật hậu thánh xuất hiện ở phía hữu ngạn Sông Hồng; bên tả ngạn ít hơn.
Khu trung tâm là điện thờ Phật của chùa, thông thường bao gồm ba ngôi nhà nằm kế tiếp nhau, lần lượt là tiền đường, chính điện, nhà Tổ và nhà Mẫu.
Mặt động. Ở một số chùa rộng – như ở Chùa Thầy – một bên nhà bái đường có các hình tượng tạo cảnh địa ngục, vua Diêm La tra hỏi phán quan bên vạc dầu, bàn chông, cối xay…
Khi tìm hiểu ý nghĩa và sự tích các bộ tượng, chúng ta nhận thấy sự bài trí tượng trong chùa Việt được quy định bởi triết mỹ Phật giáo, vừa thể hiện sự uy nghi của đạo Phật, tạo ra hồn thiêng văn hóa, vừa có thái độ tâm tình, chia sẻ trăm đắng ngàn cay bởi tượng Phật giáo Việt thật gần với hình tướng mang cốt cách người Việt. Mẹ Việt trong hình tượng Quán Thế Âm Bồ tát, ông già Việt ngồi hóng mát thung dung trong tượng Đức Thích Ca Mâu Ni, tượng Hộ pháp Kim cương thì to lớn, như biểu hiện sức mạnh của những anh hùng quật khởi.
Những gian nhà khác. Chùa còn có giảng đường, nhà khách, trai đường (nhà ăn dành cho người làm công quả), có thể thêm thư viện hoặc nhà chứa kinh kệ, v.v.
Trên đây là sơ lược về chùa của người Việt.
Chùa của người Khmer thuộc phái Tiểu thừa không thờ các vị Bồ tát, La Hán… Mặc dù mỗi chùa có nhiều tượng, tất cả đều là một vị duy nhất: Phật Thích Ca. Chùa Tiểu thừa cũng không có đánh chuông gõ mõ nên không có tháp chuông, và trước tượng Phật không đặt chuông hoặc khánh và mõ…
Còn chùa của người Hoa, ngoài việc thờ Phật còn thờ các Bồ tát, các vị thần theo tín ngưỡng của người Hoa, và đặc biệt là Quan Vũ thời Tam Quốc mà người Hoa tôn là Quan Thánh Đế Quân. Tranh, tượng Quan Vũ thường thể hiện sau lưng và hai bên là con ruột Quan Bình và con nuôi hư cấu Châu Thương (Châu Xương).
*** FE.Siêu tầm G.T
-------------------------------------000--------------------------------------------
1. KIẾN TRÚC CHÙA MỘT CỘT- BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA VIỆT NAM.
Chùa một cột , Kiến trúc gỗ
Chùa một cột có tên gọi khác là Chùa Diên Hựu
Chùa Diên Hựu bắt đầu xây dựng vào tháng Mười (âm lịch), năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông. Trong năm 1105, vua Lý Nhân Tông cải tạo và mở rộng chùa để trở thành một quần thể kiến trúc rộng lớn ứng với hồ Linh Chiểu và thêm vào một tòa sen mạ vàng trên đỉnh cột. Bên trong tòa sen là ngôi đền màu tím với hình ảnh chim thần ở mái nhà. Có một bức tượng mạ vàng của Đức Phật Quán Thế Âm bên trong.
2.Kiến trúc cổng chùa xưa Việt Nam: 1702
- Cổng chùa Hưng yên kiến trúc cổ xưa
- Quần thể kiến trúc chùa Chuông có bố cục hài hòa, theo kiểu “Nội công ngoại quốc” liên hoàn. Chùa được bố trí cân xứng trên một trục từ cổng Tam quan tới nhà Tổ, bao gồm các hạng mục: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu, lầu chuông và 2 dãy hành lang... Mặt tiền chùa quay hướng Nam.
-Nét cổ kính và những hoa văn, kiến trúc thời Hậu Lê được in dấu rõ rệt trên cánh cổng và mái Tam quan. Cửa có lối kiến trúc chồng diêm 3 tầng 12 mái, dáng vẻ uy nghi, hài hòa. Các ô lồng đèn đắp nổi hình tứ linh (long - ly - quy - phượng), và hình con nghê đá đứng chầu, mái đao cong vút thể hiện sự linh thiêng nơi cổng chùa. Qua cổng Tam quan là tới ba nhịp cầu đá xanh cổ bắc ngang qua ao Mắt Rồng. Chị Nguyễn Thị Liên giới thiệu: "Đây chính là cây cầu đá cổ, quý hiếm nhất tại Phố Hiến, Hưng Yên. Cầu được dựng vào năm Chính Hòa thứ 23 (tức năm 1702), bắc qua ao Mắt Rồng. Ao Mắt Rồng ở đây cũng được đặt theo triết lý của nhà Phật, đó là hướng Đông và hướng Tây. Hướng Đông tượng trưng cho điều thiện và hướng Tây tượng trưng cho điều ác. Giữa 2 ao không được ngăn cách, điều đó muốn nói lên rằng ranh giới giữa chính và tà rất mong manh. Con người ta phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới đó. Ở 2 đầu cầu chính là 4 con nghê đá có từ thời Hậu Lê."
- Bên trong sân chùa : Kiến trúc cổ kính , mái ngói vảy cá , sân lộ thiên trang nghiêm. vẻ đẹp thật tuyệt.
- Qua cầu là khoảng sân rộng được lát bằng gạch Bát Tràng. Chính giữa là con đường đá xanh dẫn thẳng đến nhà Tiền đường. Tại khoảng sân nhỏ giữa nhà Tiền đường và tòa Thượng điện còn lưu giữ cây hương đá cổ, quý hiếm nhất tại Phố Hiến, Hưng Yên, có từ năm 1702, chạm khắc các hoa văn cổ xưa. Cây hương đá còn được gọi là Thạch trụ, tức là trục vũ trụ nối giữa trời và đất, nhằm truyền lại ước vọng của con người đối với đấng thiêng liêng.
3. Bên trong chùa có những gì?
-Nét đặc sắc của ngôi Chùa Chuông cổ kính mà khách thập phương không thể bỏ qua là hệ thống các pho tượng Phật độc đáo được bố trí cân xứng nhau tại hai bên hành lang chùa. Từ ngoài vào là bức phù điêu gỗ Thập điện Diêm vương, tức 10 cửa điện mà con người phải trải qua nơi âm giới. Tiếp đến là hệ thống tượng Tứ Thiên Vương (các vị thần cai quản 4 phương), Bát bộ Kim cương (các vị thầng cai quản chốn cửa Phật) và Thập Bát La Hán (18 vị La Hán) ở các tư thế khác nhau, vẻ mặt khác nhau, thể hiện các vị đang muốn tìm ra con đường cứu khổ cho chúng sinh. Trong đó, bộ “Thập bát La Hán” bằng đất sét mộc của Chùa Chuông là một trong những bộ tượng đẹp nhất Việt Nam, được chế tác từ thế kỷ 16.
Trong Chùa Chuông, các hiện vật như chuông, khánh, đá, các đồ tế tự cũng như hệ thống tượng Phật đều mang đậm dấu ấn của Phố Hiến xưa. Một trong những hiện vật có giá trị nhất còn được lưu lại ở chùa là tấm bia đá nằm tại hành lang bên phải phía trong chùa. Hướng dẫn viên Nguyễn Thị Liên giới thiệu: "Chùa có tấm bia đá, là tấm bia cổ quý giá tại Chùa Chuông, được dựng vào năm 1711. Tấm bia có 2 mặt, mặt trước khắc chữ "Kim Chung Thạch Tự Bi Ký", có bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của ngôi Chùa Chuông. Mặt sau của bia có nhan đề "Nhân Dục Xã Cổ Tích Truyền" (truyện truyền lại tại thôn Nhân Dục) ghi lại cảnh buôn bán sầm uất trên bến dưới thuyền của Phố Hiến xưa. Lúc đó kinh thành Thăng Long - Hà Nội có 36 phố phường thì Hưng Yên cũng có tới 23 phố phường, 36 chợ, trên 50 nơi trên cả nước đến đây buôn bán. Thương gia nước ngoài đến đây buôn bán rất đông."
Vào các ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng hay dịp Đại lễ Phật đản hàng năm, Chùa Chuông thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và du khách thập phương về chiêm bái. Tới lễ Phật và vãn cảnh chùa thanh tịnh, mỗi người như gột bỏ được những bộn bề, lo toan của cuộc sống, tìm được sự bình an trong tâm. Ông Đinh Trần Nam, người dân Phố Hiến, Hưng Yên, chia sẻ: "Đây là di tích lịch sử cũng là niềm vinh dự cho chúng tôi. Mong là con cháu chúng tôi và các toàn thể dân gìn giữ di tích lịch sử này."
Với bề dày lịch sử, kiến trúc đẹp cùng hệ thống các pho tượng cổ độc đáo, chùa Chuông là điểm tham quan và du lịch tâm linh hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến với tỉnh Hưng Yên.
01
02
03
04
05
- Chúc quý khách ! thân tâm an lạc, vạn sự bình yên.
ST.Mr. Mạnh
------------------------------------------000-----------------------------------------------------------
2. KIẾN TRÚC CỔNG CHÙA CỔ XƯA VIỆT NAM.
*Cổng chùa Từ Hiếu - tại Cố Đô Huế.